Tỉnh An Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 230 km về phía Tây Nam Bộ. Bắc giáp với vương quốc Campuchia; Tây giáp với tỉnh Kiên Giang; Nam giáp với tỉnh Cần Thơ; Đông giáp với tỉnh Đồng Tháp. An Giang có: 1 thành phố (Long Xuyên), 1 thị xã (Châu Đốc), và 9 huyện (Chợ Mới, Châu Thành, Tân Châu, An Phú, Phú Tân, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú). Gồm có các dân tộc tiêu biểu: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer; với các tôn giáo là đạo Phật, Cao Đài, Công Giáo, đạo Hồi và đạo Hoà Hảo.
– Diện tích : 3.424 km2
– Dân số : 2.113.429 người
– Mật độ dân cư : 617 người/km2
An Giang cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác có khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm tỉnh có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Hàng năm AG vẫn đón nhận con nước lũ khoảng từ 2,5 tháng đến 5 tháng và hình thành “mùa nước nổi”. Nhiệt độ trung bình năm là 27oC. Độ ẩm 79 – 80%. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.497 mm. Nền kinh tế chính là nông nghiệp, đặc biệt đứng đầu cả nước
về sản lượng lúa trên 2 triệu tấn/năm; ngoài ra, còn trồng bắp, đậu nành và nuôi (trồng) thuỷ sản nước ngọt như cá, tôm… An Giang còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống như: lụa Tân Châu, mắm Châu Đốc, mộc Chợ Thủ, bánh phồng (Phú Tân), khô bò, khô cá và các mặt hàng tiêu dùng. Đặc biệt là nghề dệt vải thủ công lâu đời của đồng bào Chăm và nghề nuôi cá bè đặc trưng của vùng sông nước.
Đặc điểm du lịch của tỉnh An Giang
An Giang là vùng đất phì nhiêu với khí hậu trong lành có những cánh đồng tràn ngập màu xanh, xen kẽ với những dãy núi gắn với những câu chuyện huyền bí về các đạo giáo. Nói đến AG là người ta nghĩ ngay đến quê hương của bác Tôn – vị chủ tịch đầu tiên của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. An Giang còn tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang cũng như về vùng đất và con người ở đây. Người dân AG mến khách, đất đai AG thẳng cánh cò bay, bốn mùa hoa thơm trái ngọt. An Giang là nơi ghi dấu tích về ý chí kiên cường chinh phục thiên nhiên, khai hoang lập nghiệp của cha ông mà tiêu biểu là danh tướng Thoại Ngọc Hầu.
An giang là tỉnh có 4 dân tộc sinh sống, đông nhất là người Việt (94,24%), người Khmer (4,23%), người Chăm (0,63%) và người Hoa (0,90%) và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có những nét sinh hoạt văn hóa và các lễ hội của mình, nổi tiếng có các lễ hội văn hóa dân tộc như:
- Lễ hội Bà Chúa Xứ: đây là lễ hội dân gian lớn nhất của Nam bộ được tổ chức hàng năm ở Châu Đốc, thu hút rất đông khách thập phương đến để tham dự và xem lễ tắm Bà, xem múa bóng, hát bội, xin cầu tài cầu lộc, để du ngoại, chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp xung quanh…
- Đối với dân tộc Khmer có: Lễ hội Chol Chnam Thmay là lễ năm mới lớn nhất của người Khmer Nam Bộ (tương tự như tết Nguyên đán của người Việt), mọi người có thể tham gia các trò chơi như thả diều, đánh quay lửa, xem đốt pháo thăng thiên, xem người trong làng múa Roam Vông, hát Dù Kê…; Lễ Đôn Ta là ngày lễ ông bà (như tết Thanh Minh của người Việt); Lễ hội đua bò là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Khmer ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
- Lễ hội Hát Gi (Haji hay còn gọi Roja Haji): là lễ hội của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi, cũng giống như tết của người Việt, được diễn ra tại chùa Chăm lớn Châu Giang xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân. Đến với lễ hội, mọi người có thể tham gia các cuộc vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao như ca hát, đua ghe…
- Bên cạnh những lễ hội là các di tích lịch sử – văn hóa vốn là những công trình xây dựng, khu phố cổ, địa điểm, đồ vật, tài liệu và các tác phẩm có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, cũng như có giá trị về văn hóa khác, hoặc có liên quan đến những danh nhân, anh hùng, những sự kiện lịch sử về quá trình hình thành dân tộc, phát triển văn hóa, xã hội. Ở An giang có: khu di tích lịch sử Tức Dụp là di tích cách mạng, ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ của nhân dân tỉnh AG, nằm ở phía tây chân núi Cô Tô và núi Thất Sơn, thuộc địa phận xã An Ninh, huyện Tri Tôn, trên đồi là chi chít hang động và các tầng đá kết thành giống như một tổ ong vĩ đại; thành cổ Óc Eo tại vùng núi Sập – Ba Thê, huyện Thoại Sơn; nhà lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng ở ấp Mỹ An, xã Hoà Hưng, cách thị xã Long Xuyên 3 km; di tích lịch sử đền thờ quản cơ Trần Văn Thành; di tích lịch sử cách mạng Cột Dây Thép; thêm vào đó là các công trình kiến trúc như: chùa Xã Tón, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu bà Chúa Xứ, chùa cổ Tây An, chùa Giồng Thành, chùa Chăm (thánh đường hồi giáo Ma Ba Rák) và nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác.xem thêm: du lịch núi cấm An Giang
- Ngoài những công trình kiến trúc, nghệ thuật do bàn tay khối óc con người tạo nên, AG còn có những danh lam thắng cảnh do thiên nhiên ưu đãi, đó là các cảnh đẹp tự nhiên hoặc có công trình xây dựng cổ, nổi tiếng, đã vượt qua khuôn khổ thời gian và không gian tồn tại đến ngày nay như: khu du lịch núi cấm thuộc huyện Tịnh Biên cách thị xã Châu Đốc 30 km, là một ngọn trong dãy “Thất Sơn” hùng vĩ của AG, núi Cấm cao 710 m, đường đi lên núi thoải mái, sườn núi có nhiều cảnh đẹp như suối Thanh Lang, động Thuỷ Liêm, hang Vồ Bồ Hông…; khu du lịch núi Sam là khu du lịch nổi tiếng thuộc xã Vĩnh Tế (phía tây thị xã Châu Đốc). Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh núi, đặc biệt dưới chân núi có lăng Thoại Ngọc Hầu;…
Thêm vào đặc điểm du lịch AG là sự phát triển của các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, hành hương, du lịch nhà vườn, câu cá, ngủ ở bè, thưởng thức các món ăn dân dã lạ miệng như bún mắm, bún nước lèo, lạp xưởng bò, bánh cống… với hương vị đậm đà đặc trương của miền sông nước Nam Bộ. - Tất cả những đặc điểm trên như một sự ưu đãi riêng để AG mau chóng trở thành một vùng đất có sức hút đặc biệt về du lịch. Chúng góp phần tạo nên một AG với phong thái rất đặc sắc và cá biệt mà không nơi nào có được.
Ngày nay, An Giang đang trên đà phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội… là vùng đất giàu tiềm năng du lịch nên Tỉnh đã và đang ra sức nổ lực tập trung đầu tư, khai thác chúng để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, An Giang đang phấn đấu để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Tất cả với tiêu chí:
“An Giang mời gọi các nhà đầu tư An Giang điểm hẹn du lịch
An Giang đón chào quí khách”. - Lâm viên Núi Cấm sưu tầm