Với lịch sử phát triển lâu đời, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ai Cập, Ả Rập, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á đều có nhiều cảnh quan tự nhiên và kiến trúc kì vĩ, độc đáo: Vạn Lý Trường Thành (Bắc Kinh), Kim Tự Tháp (Cairo), Taj Mahal (Arga), Angkor Wat (Seam Reap), Đá Đầu Rồng Young Duam Rock (Jeju), Đài Xuân Thu (Cao Hùng)… Đến tham quan những nơi này, du khách không chỉ mãn nhãn với cảnh trí mà còn được nghe hướng dẫn viên thuyết minh rất nhiều thần thoại, truyện cổ tích, giai thoại… có liên quan đến danh lam thắng cảnh.
Ai đã từng đi Campuchia, từng choáng ngợp trước kỳ quan thế giới Angkor Wat và Angkor Thom hẳn chưa thể quên các chi tiết điêu khắc trên đá, từ hình ảnh các vị thần, vua quan, binh lính, tiên nữ cho đến linh vật. Hướng dẫn viên có trách nhiệm giới thiệu các thần thoại, sự tích dựa theo các chi tiết trên đá cho du khách. Song song với tour “kinh điển” là Phnôm Pênh – Seam Reap, tour mới Sihanoukville – cao nguyên Bokor khá thu hút khách trong những năm gần đây. Chỉ trong lộ trình 4 ngày 3 đêm, du khách được nghe rất nhiều câu chuyện có liên quan đến các điểm tham quan như: sự tích Bà Ya Mao tìm chồng, truyền thuyết Chùa Năm Thuyền kể về công đức của hoàng tử Preah Thom và công chúa Thủy Cung Nagani trong việc tạo lập nền văn minh Khmer…
Người Hàn Quốc thường hay kể nhiều truyền thuyết thú vị cho du khách để quảng bá về đất nước của họ. Jeju không phải là địa danh có quá nhiều cảnh đẹp nhưng người Hàn Quốc đã “thêu dệt” nên thần thoại về đá đầu rồng Youngduam rất nổi tiếng: một con rồng đã lấy cắp một viên ngọc quý của thần núi Hanllasan rồi bay lên trời trốn. Thần núi tức giận, lấy cung tên bắn chết con rồng. Xác của con rồng rơi xuống biển, đầu trồi lên bờ và hóa thành đá đầu rồng Youngduam Rock như ngày nay. Ngay cả ở điểm tham quan rất đỗi bình thường như làng dân tộc ở đảo Jeju, hướng dẫn địa phương cũng sẵn sàng kể cho khách nghe sự tích vì sao đàn ông được yêu quý, chiều chuộng ở hòn đảo này, từ đó hướng du khách sang việc mua cao ngựa, mật ong để bồi bổ cho các quý ông.
Một trong những hoạt động “đinh” của một tour du lịch là mua sắm. Du khách thường rất quan tâm đến các sản phẩm lưu niệm, thực phẩm mang đặc trưng của địa phương tham quan. Vì lẽ đó, những người làm du lịch đã chuẩn bị sẵn những câu chuyện làm quà cho du khách.
Kiyomizu-dera (chùa Thanh Thủy) có điện thờ thần Okuninushi – một vị thần có chức năng xe duyên. Trong sân điện này, có hai tảng đá nhỏ đặt cách nhau khoảng 20 mét, tượng trưng cho nam và nữ. Ai muốn cầu duyên thì cứ sờ vào tảng đá “khác giới” với mình, lòng nghĩ hoặc miệng đọc tên người mình yêu rồi nhắm mắt đi tìm tảng đá “cùng giới” còn lại. Nếu may mắn tìm thấy thì nhất định tình yêu sẽ đến. Ngay cạnh cặp đá là cửa hàng nhỏ bán các loại bùa may mắn với vô số chức năng: bùa tình yêu, bùa công danh, bùa học hành, bùa làm ăn, bùa sức khỏe, bùa giao thông. Mỗi loại có màu sắc, hình ảnh, kích thước khác nhau, giá từ 5000 đến 10000 yên (100.000 đến 200.000 đồng) và rất đắt người mua.
Mèo tài Nhật Maneki Neko là một món quà lưu niệm đầy chất văn hóa Nhật lại giàu ý nghĩa. Trước khi đưa khách đến các cửa hàng lưu niệm, hướng dẫn viên thường kể câu chuyện được truyền miệng cách đây bốn thế kỉ, vào thời thời Edo (1603-1867) tại ngôi đền Gotokuji: có một vị thầy tu nghèo khổ trong ngôi đền nhỏ ở phía tây Tokyo. Ông nuôi một con mèo, đặt tên là Tama và rất thương yêu chú. Một hôm, ông nói nựng với con mèo rằng: “Nếu biết ơn tao, hãy giúp ngôi đền trở nên khang trang hơn nhé!”. Thế rồi, vào một buổi chiều mùa hè, có một nhóm samurai vào chùa. Họ cho biết khi đang đứng gần đền thì thấy chú mèo vẫy tay gọi, bèn tiến vào chùa. Đúng lúc ấy, một tia chớp giáng xuống cái cây họ vừa đứng trước đó khiến cây đổ gục. Quá vui mừng vì thoát chết, các samurai đã quyên góp tiền xây dựng lại ngôi đền thật khang trang. Khi Tama chết, chú được chôn trong nghĩa địa dành cho loài mèo bên trong đền. Bức tượng Maneki Neko được làm để tưởng nhớ chú mèo đặc biệt cũng ra đời từ lúc đó.
Vừa được nghe kể chuyện, du khách vừa được giải thích ý nghĩa các động tác, tư thế vẫy tay hoặc vẫy chân của mèo và nét mặt cũng như màu sắc của nó. Nhờ vậy, du khách có thể quyết định sẵn mình sẽ mua chú mèo như thế nào tại nơi bán. Tương tự như vậy, du khách đến lầu phong thủy ở Bắc Kinh sẽ được nghe người bán hàng kể các câu chuyện cổ có liên quan đến vật phẩm phong thủy mang lại may mắn như tỳ hưu, kì lân, thiềm thừ, bắp cải…, được tư vấn kích cỡ, màu sắc cho phù hợp với bản mệnh.
Có khi, sự truyền tải các câu chuyện không chỉ dừng ở mức độ trần thuật. Nhiều điểm tham quan còn ứng dụng công nghệ quảng bá vô cùng hiện đại và khoa học, tạo hứng khởi và sự hài lòng cho du khách. Trung tâm bánh dứa Đài Bắc là một ví dụ cụ thể. Khi đến mua sắm ở đây, du khách được đưa vào lớp học làm bánh dứa. Mỗi khay bánh do du khách làm đều có đánh số và được chuyển vào lò nướng. Sau đó, khách được đưa lên một thang máy có mô hình quả dứa khổng lồ, tỏa ra mùi dứa rất ngọt ngào. Lên hết phần thang máy, khách được yêu cầu xếp hàng một và đèn bỗng tắt tối om. Một màn hình với chiều dài khoảng 6 mét, chiều rộng 1,5 mét bật sáng ở phía đối diện. Bộ phim hoạt hình Quả dứa tiên (có phụ đề tiếng Anh) được trình chiếu trong khoảng năm phút, nội dung nói về việc vì sao quả dứa từ trời chọn hòn đảo này làm nơi sinh sống. Phần hình ảnh đẹp mắt, âm nhạc rộn rã của bộ phim đủ sức chinh phục cả người lớn lẫn trẻ em. Tiếp đó, du khách được ăn thử bánh dứa vừa nướng còn nóng hổi. Tiết mục tiếp theo là trở lại showroom ở tầng trệt mua sản phẩm. Cuối buổi tham quan mua sắm, nhân viên sẽ phát tặng du khách phần bánh do họ làm đã được nướng xong.
Cũng ở Đài Loan, trước khi tự tay mình ghi các ước nguyện và thả đèn trời ở phố cổ Thập Phần (Shifen old town) và mua đèn lồng đủ kích cỡ để lưu niệm, du khách sẽ được nghe truyền thuyết: vào thời xưa, ngôi làng cổ này thường bị cướp tấn công. Sau mùa vụ, người dân phải mang của cải lên núi để trốn tránh. Những người đàn ông khỏe mạnh sẽ được cử xuống làng để thăm dò tình hình. Khi thấy mọi sự yên ắng, họ thả đèn lên trời làm tín hiệu để báo cho người dân quay về làng. Cùng với truyền thuyết này, du khách còn được nghe kể về các phát minh của Gia Cát Lượng: đèn trời, chiến xa, nỏ liên châu, bánh bao…
Cứ thế, những buổi thuyết trình, kể chuyện rất hiệu nghiệm trong việc tăng niềm tin, sự vui thú cho khách hàng. Du khách có thể chi khá nhiều cho các vật phẩm, dịch vụ mà vẫn thấy vui vẻ vì cho rằng mình đang rước tài lộc về nhà.