An Giang giàu đẹp bởi tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế đa dạng, nhiều kênh rạch, ao hồ nước ngọt quanh năm, phù sa bồi đắp đất đai màu mỡ. An Giang có rừng, có núi, có lịch sử hình thành và phát triển rất phong phú, chứa đựng cả một kho tang kinh tế – văn hoá. Tất cả như một ưu đãi riêng cho ngành công nghiệp không khói ở AG ngày càng phát triển. Trước những tiềm năng du lịch của tỉnh, hiện tại, công ty du lịch AG đã có cơ sở kinh doanh du lịch phân bố khắp địa bàn du lịch trọng điểm với nhiều loại hình như: lữ hành nội địa và quốc tế. Thực hiện các tour nội tỉnh, đặc biệt Homestay Tour, Mekong Tour và du lịch mùa nước nổi. Cho thuê phương tiện thuỷ, bộ. Bán vé máy bay trong và ngoài nước. Bán vé tàu Châu Đốc – Phnôm Pênh. Hướng dẫn, phiên dịch. Xuất khẩu lao động.
Vì thế, định hướng phát triển du lịch là khai thác tối đa về lợi thế du lịch tỉnh, đa dạng hoá các loại hình du lịch, các khu du lịch luôn luôn đổi mới các loại hình dịch vụ giải trí và cảnh quan ngày càng hấp dẫn du khách. Trong tương lai, có cơ hội mở rộng thị trường du lịch trong vùng và khu vực, liên kết với các vùng du lịch trọng điểm của cả nước để thu hút khách du lịch đến An Giang.
Như đã biết, An Giang có nhiều di tích lịch sử-văn hoá phong phú là những sản phẩm văn hoá mang màu sắc tôn giáo như: Núi Sam (thị xã Châu Đốc), núi Cấm (huyện Tịnh Biên) – du lịch Núi Cấm An Giang, đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn), văn hoá Óc Eo (huyện Thoại Sơn)… đa dạng các loại hình du lịch, nổi tiếng với các lễ hội văn hoá dân tộc và cảnh đẹp tự nhiên của những danh lam thắng cảnh (xem phần giới thiệu chung về tỉnh An Giang-chương 3). Hiện nay, tỉnh có 27 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh và hệ thống đình làng, 4 lễ hội hàng năm đã thu hút hàng vạn khách tham quan và tham dự. Bên cạnh đó, An Giang có đủ 6 loại hình tôn giáo của cả nước: trong đó đạo Phật, đạo Công Giáo, đạo Tin Lành, đạo Hồi từ nước ngoài du nhập vào, còn 2 tôn giáo nội sinh mang tính chất địa phương là đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo. Chính sự hoà nhập giữa các tôn giáo đã tạo nên con người Việt Nam giàu tính khoan dung, hiếu khách, từ đó tạo nên một sự đoàn kết dân tộc trong tín ngưỡng tôn giáo – một nét đặc trưng mà không phải nơi đâu cũng có được và cũng chính những nhân tố này đã giúp cho AG trở thành tỉnh có tiềm năng du lịch to lớn.
Đã từ lâu, các doanh nghiệp đã thừa nhận rằng điều kiện tự nhiên giữ một vai trò rất quan trọng để hình thành khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lại càng quan tâm hơn về yếu tố này, nó cũng là một áp lực quyết định đến hiệu quả du lịch vì thị trường tiêu thụ du lịch phải di chuyển về hướng sản phẩm du lịch chứ không như các sản phẩm tiêu dùng khác dễ di chuyển về các thị trường tiêu thụ. Có ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên thì có thể xem như tiềm năng du lịch đã rộng mở, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch khai thác và ngày càng phát triển.
- Xét về vị trí địa lý, An Giang là một bộ phận của Đồng Bằng Sông Cửu Long, nằm cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 190 km về phía Tây Nam bộ, có đường biên giới trên 90 km đất liền với vương quốc Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (huyện Tân Châu), Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) và các cửa khẩu quốc gia khác, có nhiều con đường từ các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang đến An Giang. Đó là lợi thế để AG có thể giao lưu hoặc tiếp cận nhiều mặt thay đổi của cả nước, ngoài ra với số km đường như vậy rất thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hoá, mở rộng quan hệ với tiểu vùng Mekông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và một số nước Đông Nam Á khác và cũng thuận tiện cho khách nước ngoài quá cảnh đến An Giang.
- Xét về địa hình, An Giang là tỉnh đồng bằng có núi, nhất là khu vực Bảy núi và vùng đồi thấp với diện tích 417 km2. Khu vực này chiếm diện tích khá lớn đất nông nghiệp nhưng lại có nhiều tiềm năng cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh, do có không gian thoáng đãng bao la, có nhiều di tích và tài nguyên văn hoá lịch sử độc đáo như: di tích lịch sử núi Sam, núi Ba Thê, núi Sập… tạo nên một loại hình du lịch leo núi, tham quan cắm trại ngày nay được nhiều người ưu chuộng.
- Thêm vào đó, An Giang có khu vực đất phù sa nước ngọt nằm giữa 2 con sông Tiền và sông Hậu tạo thành hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc dễ dàng cho tàu bè đi lại. Hàng năm 2 con sông này đón nhận một lượng phù sa đáng kể làm tăng sự màu mỡ của những cánh đồng bạt ngàn và hình thành nên những cù lao lớn. Chúng được xem như hệ thống giao thông đường thủy vô cùng quan trọng của tỉnh. Điều thú vị là du khách đến An Giang không chỉ để tham quan các khu du lịch mà còn để ngắm những cách đồng lúa bạt ngàn và vui chơi ở vườn trái cây tươi mát.
- Xét về khí hậu, An Giang nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 27oC với lượng mưa trung bình 1.497 mm, có thể nói khí hậu khá điều hoà rất dễ chịu đối với khách du lịch. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là sự ảnh hưởng của mùa nước nổi với những cơn lũ mỗi năm đã làm thiệt hại nhiều cơ sở hạ tầng, tàn phá nhiều tuyến du lịch, đường xá bị ngập rất nhiều và hoạt động du lịch gần như bị ngưng trệ…